image banner
Chổi đót Hòa Hội
Chổi đót thôn Hòa Hội, Nghĩa Đànnổi tiếng từ lâu. Công việc ổn định tạo thu nhập tốt cho người dân và là mộtlàng nghề truyền thống (được công nhận tháng 2/2007), đang từng ngày khởi sắc.

Chổi đót thôn Hòa Hội, Nghĩa Đàn nổi tiếng từ lâu. Công việc ổn định tạo thu nhập tốt cho người dân và là một làng nghề truyền thống (được công nhận tháng 2/2007), đang từng ngày khởi sắc.

Thôn Hòa Hội có 118 hộ thì có đến hơn 100 hộ dân chuyên làm chổi đót. Diện tích tự nhiên chỉ có 12,5 ha đất nông nghiệp sản xuất 2 lúa cho 545 nhân khẩu. Đất 1 lúa là 30 ha, nhưng không có nước để ổn định sản xuất, nên làm chổi được xem là nghề chính từ nhiều năm nay, chiếm tới 70% thu nhập của cả thôn.

Ông Phạm Văn Thảo (Thôn trưởng thôn Hoà Hội) cho biết: "Trước kia dân chỉ xem là nghề phụ, nhưng nay trở thành nghề chính của cả làng, nhiều hộ đã mở các đại lý làm chổi lớn". Có rất nhiều hộ gia đình như Nguyễn Công Trúc, Nguyễn Duy Phương, Trần Bá Dương... là những hộ đã đi lên nhờ nghề chổi đót, kinh tế thuộc loại khá giả, không những thế còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người trong xã.

Là làng thuần nông, nhưng có thêm nghề làm chổi đời sống bà con cũng ổn định hơn và từng ngày đi lên làm giàu. Một số người lại dựa vào lợi thế có sẵn hàng trong thôn nên đã liên hệ các đầu mối trên chợ và thành phố để đi bỏ hàng. Xe máy đẹp, ti vi mới, tủ lạnh... mỗi ngày một nhiều thêm. Đó là tín hiệu vui cho cả thôn.

Chị Trần Thị Thu (25 tuổi) tâm sự: "Ngày trước chưa có nghề này, đời sống bấp bênh lắm, nhưng nay có chổi đót giá cả cũng ổn định và công việc thường xuyên nên tui mới sắm được cái ti vi màu đó, mấy đứa con đi học cũng đỡ vất vả hơn...".

Hiện nay, công việc này đã đi vào "chuyên môn hóa" hơn. Họ đặt nguyên liệu ở các huyện lân cận như Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu... Cứ mỗi dịp tết đến, cả thôn lại góp chung tiền đi ra tận Hoà Bình để mua nguyên liệu tốt về làm chổi. Có rất nhiều mẫu mã phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân, hiện nay thôn chủ yếu sản xuất theo 5 loại chổi: chổi có cổ, chổi cổ chùi, cổ ngắn, cổ tết mây, cổ tết giây thép.

Một tháng thu nhập từ làm chổi ít cũng có một người 1 triệu đồng, còn trung bình thu nhập là 1,7 - 2 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, nhiều hộ mạnh dạn vay vốn khuyến nông, vốn chính sách huyện để mở các đại lý làm và thu mua chổi. Hội Phụ nữ xã có kiến nghị với Ngân hàng Chính sách huyện giải ngân vốn cho các chị em có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế. Thôn cũng xin xã liên hệ với Phòng Nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn để nâng cao tay nghề cho chị em làm chổi, lập đề án thành lập Hợp tác xã để tập trung sản xuất chuyên nghiệp hơn.

Tân Nghệ
Nguồn: Báo Nghệ An 24/12/2009

TIN MỚI
Không có dữ liệu
THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Đăng nhập