image banner
ĐẢNG BỘ HUYỆN NGHĨA ĐÀN – NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG VẺ VANG
Chi bộ đảng đầu tiên ở Nghĩa Đàn ra đời là kết quả cả một quá trình lâu dài phôi thai và nhóm ngọn lửa tinh thần yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp thanh niên tiên tiến từ những năm đầu thế kỷ XX

 Thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, người viết loạt bài này xin được giới thiệu cùng bạn đọc những dấu ấn, những mốc lịch sử quan trọng trong chặng đường lịch sử của Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn từ ngày thành lập  (tháng 10/1930) đến nay.

          Hy vọng, với những thông tin này, sẽ giúp cho độc giả nắm được cơ bản về lịch sử của Đảng bộ huyện. Từ đó, có thêm tình yêu, niềm tự hào và cùng nhau viết tiếp trang sử mới – Trang sử của Đại hội lần thứ XXX (nhiệm kỳ 2025 – 2030) mở ra.

      CHẶNG I: THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẢNG ĐẦU TIÊN,

     NGỌN LỬA CÁCH MẠNG BỪNG SÁNG

          QUÁ TRÌNH PHÔI THAI VÀ NHÓM LỬA

          Không ít người biết đến địa danh hang Rú Ấm gắn với sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Nghĩa Đàn vào tháng 10/1930 – Chi bộ Đảng đầu tiên của các huyện miền núi tỉnh Nghệ An ra đời. Tuy vậy, cũng không nhiều người nắm được quá trình phôi thai và nhóm lửa với bao nhiêu sự vất vả, hy sinh của những người yêu nước trong suốt thời gian dài để thắp nên ngọn lửa đó.

          Đầu thế kỷ XX, trên mảnh đất Nghĩa Đàn đã dần dần có những chuyển biến mới, khá sâu sắc về nhiều mặt. Tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội đã từng bước biến đổi, từ phong kiến chuyển sang thuộc địa nửa phong kiến. Bọn đế quốc, phong kiến, tư sản, địa chủ, hào lý, thổ ty, lang đạo cấu kết với nhau ra sức áp bức, bóc lột, đàn áp nhân dân. Cùng với đó, sự ra đời và phát triển của giai cấp công nhân, của tầng lớp tri thức, sự nẩy sinh và tích tụ mâu thuẫn lợi ích giữa nhân dân lao động với bọn bóc lột, cường quyền đã hun đúc nên ý chí vươn lên trong mỗi người dân yêu nước trên đất Nghĩa Đàn.

          Cũng trong thời kỳ này, phong trào yêu nước và phong trào công nhân ở các nơi trong tỉnh và cả nước đã tác động đến Nghĩa Đàn, đưa tới luồng gió mát, một niềm tin mới cho nhân dân Nghĩa Đàn. Trong đó, thanh niên là lực lượng đi đầu trong việc tiếp thu những tác động mới mẻ, sôi nổi đó.

          Đến giữa những năm 20 của thế kỷ XX, phong trào yêu nước của cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh đã tác động trực tiếp đến lớp thanh niên Nghĩa Đàn. Một số thành viên của các tổ chức yêu nước đã lên Nghĩa Đàn tìm hiểu tình hình và gây dựng cơ sở dưới danh nghĩa là người đi buôn, đi dạy học, làm thợ mộc. Trong số đó, có ông Phan Huynh (con trai cụ Phan Bội Châu) và ông Võ Nguyên Hiến (sau này là Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ) là những người tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước, tư tưởng cứu nước cho lớp thanh niên Nghĩa Đàn. Hai ông Phan Huynh và Võ Nguyên Hiến đã lựa chọn và cử hai thanh niên hăng hái, có học thức ở xã Cự Lâm là Phan Doãn Niềm và Đặng Văn Dũng xuất dương du học và liên lạc với các đồng chí bên ngoài. Do giặc Pháp kiểm soát gắt gao nên hai người phải quay về. Không may, đến tháng 6/1926, cả hai người mắc bệnh thương hàn và mất.

          Đầu năm 1929, sau khi dự huấn luyện ở Thái Lan về, ông Võ Nguyên Hiến lại lên Nghĩa Đàn, thành lập nhóm Việt Nam cách mạng Thanh niên ở xã Thọ Lộc và xây dựng “Trại cày” nhằm gây dựng cơ sở cách mạng. Rất tiếc, Trại cày chỉ tồn tại được 1 năm do nhiều người bị ốm đau, nản chí và rút lui.

          Trong lúc tình hình Nghĩa Đàn đang khó khăn, bế tắc thì các huyện miền xuôi và nhiều nơi trong cả nước dấy lên cao trò cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời và lãnh đạo. Những hội viên Thanh niên ở Nghĩa Đàn tìm cách liên lạc với tổ chức ở miền xuôi. Cuối tháng 9/1930, các đồng chí Phan Đình Lại và Phạm Ngọc Liên đã bắt liên lạc được với đồng chí Nguyễn Hữu Chỉnh (cán bộ của Tỉnh uỷ Nghệ An). Đồng chí Nguyễn Hữu Chỉnh đã hướng dẫn cách thức hoạt động bí mật và giao cho đồng chí một số truyền đơn về rải để gây phong trào ở Nghĩa Đàn theo chủ trương thống nhất của Đảng. Ngọn lửa cách mạng được nhóm lại và ấm lên.

          NGỌN LỬA ĐƯỢC THẮP SÁNG LÊN

          Vào đầu tháng 10/1930, đồng chí Võ Nguyên Hiến cùng đồng chí Võ Thược lên xã Thọ Lộc tổ chức một cuộc họp bàn việc thành lập chi bộ đảng nhằm kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng đang lên ở Cự Lâm, Thọ Lộc và các nơi khác trong huyện Nghĩa Đàn. Cuộc họp được tổ chức tại hang Rú Ấm (thuộc xã Nghĩa Đức ngày nay).

          Sau khi báo cáo về việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ đầu tháng 2/1930, đồng chí Võ Nguyên Hiến tuyên bố thành lập chi bộ ghép gồm các đảng viên của 2 xã Thọ Lộc và Cự Lâm. Chi bộ gồm 5 đồng chí, do đồng chí Phan Đình Lại làm Bí thư, phụ trách chung; đồng chí Nguyễn Đình Thạc làm Phó Bí thư kiêm tổ chức và giữ tiền nguyệt phí; đồng chí Võ Thược làm Thư ký và liên lạc với cấp trên. Hội nghị còn thảo luận và nhất trí lấy hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng dưới mọi hình thức để qua đó mà phát động và lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống đế quốc, phong kiến; đồng thời, bàn về công tác tổ chức của chi bộ…

      Chi bộ đảng đầu tiên ở Nghĩa Đàn ra đời là kết quả cả một quá trình lâu dài phôi thai và nhóm ngọn lửa tinh thần yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp thanh niên tiên tiến từ những năm đầu thế kỷ XX. Là quá trình chăm lo xây dựng phong trào cách mạng, lựa chọn nòng cốt tích cực để có đủ các yếu tố cả về tư tưởng, tinh thần và lực lượng, và đặc biệt, khi có Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập.

Ngọn lửa cách mạng trên đất Nghĩa Đàn được thắp sáng từ đây.

(Còn nữa)

Phan Tiến Hải ( Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Nghĩa Đàn )

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGHĨA ĐÀN
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nghĩa Đàn
Trưởng ban biên tập: ĐC Lê Thái Hùng - PCT UBND Huyện

Trụ sở: Khối Tân Hồng - Thị trấn Nghĩa Đàn - huyện Nghĩa Đàn, NA
Điện thoại: 0238.3 904.233 - Email: nghiadan@nghean.gov.vn