Ổi Nghĩa Đàn được tiêu thụ hàng ngày khắp trong và ngoài tỉnh. Ổi thường được giá hơn vào năm thứ 3 trở đi vì dòn, ngọt hơn
Ổi là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao ở Nghĩa Đàn những năm gần đây. Trong quá trình trồng, nghiên cứu và học hỏi KHKT người nông dân đã đúc rút ra được nhiều kinh nghiệm để cho ra những quả ổi có chất lượng mang lại giá trị kinh tế cao.
Cây ổi bén duyên đầu tiên ở xã Nghĩa Sơn. Hiện nay nông dân ở đây cũng đã trồng gần 100 ha ổi trên diện tích đất của xã và đất thuê mượn vùng lân cận. Theo ông Trần Quốc Hồng - chủ tịch hội nông dân xã Nghĩa Sơn thì đất trồng ổi ngon nhất phải là đất đá lân ( đá đen xanh) sau đó là đất son sỏi, đất trắng còn đất đỏ bazan thì năng suất cao hơn nhưng ổi lại không ngọt bằng những loại đất trên. Cũng vì thế mà nhiều diện tích đất ở triền đồi được người dân chuyển đổi sang trồng ổi. Qua quá trình trồng thì nông dân cũng đã biết cách chăm sóc, bón phân để quả ổi ngọt hơn.
Để phòng trừ sâu bệnh nông dân Nghĩa Đàn bọc ổi ngay khi quả nhỏ
Thay vì để ổi ra quả theo mùa dẫn đến việc tiêu thụ ồ ạt, bị ép giá thì hiện nay các nhà vườn ở Nghĩa Đàn đã biết cách để cây ổi ra quả quanh năm bằng việc tỉa cành, tỉa quả, tạo tán khống chế chiều cao…Bởi thế người trồng ổi được ví von giống như “ nuôi con mọn” bởi ngày nào cũng phải có mặt ở vườn ổi để thu hái, bọc quả, tỉa nhánh, tưới nước. Giá ổi dao động từ 10 nghìn đến 25 nghìn/kg tùy thời điểm. Anh Hoàng Xuân Anh- một trong những người đầu tiên trồng ổi ở Nghĩa Sơn cho biết: Gia đình trồng 14 sào ổi, mỗi năm cho thu khoảng 18 tấn, giá ổi có thời điểm cũng xuống thấp tuy nhiên so với các cây trồng khác thì giá trị mang lại cao hơn.
Ổi Nghĩa Đàn được tiêu thụ hàng ngày khắp trong và ngoài tỉnh. Ổi thường được giá hơn vào năm thứ 3 trở đi vì dòn, ngọt hơn. Bản thân là người sát cánh với nông dân trồng ổi, ông Trấn Quốc Hồng – chủ tịch hội nông dân xã Nghĩa Sơn cho hay: Hiện nay một số vườn ổi xuất hiện có dấu hiệu là lá tím, quả có chấm nám đỏ là dấu hiệu của bệnh phồng rộp rễ- hiện chưa có thuốc chữa được mà khi cây bị nặng chỉ có cách phá bỏ. Người mua ổi thường truyền tai nhau ổi “ nám” sẽ ngon ngọt hơn. Nhưng thực tế những quả ổi nám chấm đỏ có thể là cây đã có dấu hiệu bị bệnh. Khi bệnh còn ở giai đoạn nhẹ thì quả vẫn ngọt, như khi bệnh nặng thì cây sẽ chết… Hiện tại chưa có một quy trình chính thống đưa ra, hội nông dân xã đúc kết quy trình, ai cần để hướng dẫn.
Ông Dương Văn Tịnh, xóm Trung Chính, xã Nghĩa Lâm trồng 500 cây ổi Đài Loan đã năm thứ 5. Để phòng trị bệnh cho ổi, ngay khi cây bắt đầu nở hoa, ông Tịnh mua các nguyên liệu như tỏi, ớt, gừng để làm thuốc trừ sâu thảo dược, đồng thời bọc quả ngay từ nhỏ. Tuy mất nhiều công sức nhưng thấy hiệu quả ông vẫn duy trì.Những năm đầu mỗi năm gia đình ông Dương văn Tịnh thu hoạch hơn 4 tấn ổi với thu nhập hơn 60 triệu đồng. Tuy nhiên từ năm thứ 4 trở đi quả tròn, ngon hơn thì thu nhập tăng hơn. Ông Tịnh cho biết: Thường xuyên theo dõi các kênh chăm sóc cây trồng, học hỏi qua sách báo và hỏi han các nhà vườn khác để có thêm kinh nghiệm. Bản thân cũng như những người trồng ổi cũng mong muốn cập nhật thêm nhiều kiến thức khoa học, các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả cây ổi.
Tại xã Nghĩa Minh hiện có gần 20 ha ổi. Trong đó riêng xóm Minh Sơn có khoảng 10 ha. Ông Cao Xuân Hoài- xóm trưởng xóm Minh Sơn, xã Nghĩa Minh chia sẻ: Hiệu quả từ cây ổi mang lại tương đối ổn định, tuy nhiên xóm cũng mong muốn những người trồng ổi được tập huấn thêm về KHKT, chăm sóc để phát triển hiệu quả hơn.
Ông Phạm Ngọc Duy- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Minh cho biết: Trước đây các diện tích ổi của xã thường tập trung ở trong vườn nhà các gia đình. Sau đó một số hộ đã mạnh dạn chuyển đổi từ các diện tích kém hiệu quả như sắn, keo sang trồng ổi.. Tuy đầu ra hiện nay chủ yếu nông dân tự kết nối nhưng do cây ổi cho quả quanh năm, không thu hoạch ồ ạt nên giá cả không bị ép giá nhiều như những cây thu hoạch theo mùa. Ban nông nghiệp, khuyến nông, hội nông dân xã cũng thường xuyên nắm bắt tình hình, hướng dẫn nông dân. Thời gian tới xã cũng mong muốn huyện sẽ có thêm các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ổi cho bà con.
Ổi được hái và đưa đi tiêu thụ hàng ngày
Có thể nói cây ổi ở Nghĩa Đàn đã góp phần đa dạng hóa các loại cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, cải tạo vườn tạp đem lại hiệu quả kinh tế . Thực tế, ổi Nghĩa Đàn cũng đã có thương hiệu, một số diện tích được dán tem truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên nông dân cần được hỗ trợ thêm về KHKT, tập huấn để nâng cao chất lượng, hiệu quả cây ổi.
Đinh Thùy ( Trung tâm VH, TT & TT Nghĩa Đàn)