Giống quýt PQ1 (gọi tắt là PQ) được Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Phủ Quỳ thu thập và tuyển chọn từ năm 1992, là giống quýt có nguồn gốc tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho phép sản xuất thử tại vùng Bắc Trung bộ từ năm 2007.
Vài chục năm qua, cây Quýt PQ chưa được mấy ai mặn mà, chưa được khẳng định giá trị mà nó mang lại cho người tiêu dùng bởi: Quả không có vị ngọt đậm, thậm chí còn khá chua khi chưa chín; hạt nhiều, khó tách múi và khi bóc ăn dễ bị chảy nước ra tay; dù sản xuất sạch nhưng chưa quảng bá được vì chưa có thương hiệu trên thị trường; mùa Quýt chín cũng là mùa của nhiều loại cây có múi trên địa bàn như cam, bưởi cũng vào chính vụ; để ăn quả thì không hấp dẫn, làm quà thì còn ngại vì giá trị thấp.
Vài năm gần đây, Quýt PQ khó bán do dịch Covid - 19 nên lưu thông hàng hóa khó khăn, khả năng và nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thì có hạn. Vậy là, đến mùa Quýt chín phải kêu gọi giải cứu, giá Quýt rẻ như bèo, cây Quýt PQ chẳng mấy ai chú ý đầu tư, thậm chí còn chặt bỏ. Quýt PQ trở nên nhạt và chua - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!
Nếu chỉ nói, chỉ nhìn Quýt PQ như vậy thì thật chưa đầy đủ và thiếu khách quan. Đã đến lúc cần có sự nhìn nhận thấu đáo hơn về giá trị và vai trò của cây Quýt PQ trên đất Phủ Quỳ nói chung, Nghĩa Đàn nói riêng. Thực tế cho thấy, đã qua bao mùa, Quýt PQ là loại cây chứng minh tính chống chịu với thời tiết khắc nghiệt ở khu vực này bởi lắm nắng, nhiều mưa, gió lớn; nó có thể trồng ở nhiều vùng đất, loại đất khác nhau và dễ trồng, dễ chăm; nó là loại cây có múi rất ít bị sâu bệnh và nếu có thì cũng dễ diệt trừ; có sản lượng cao và ổn định khá đều qua nhiều năm; chu kỳ của cây kéo dài, thường là trên 10 năm; quả chín lưu lại trên cây với thời gian khá lâu; không phải mất nhiều công cho việc chăm sóc, bón phân, phun thuốc so với nhiều loại cây trồng khác và không phải đầu tư lớn. Và điều quan trọng nữa là: Ăn cả quả thì hơi bất tiện nhưng vắt để làm nước uống thì thật tuyệt với vị thanh, mát và hương rất đặc trưng; nước Quýt có thể vắt đóng chai, để cấp đông và đưa ra uống vào mùa hè thì càng tuyệt. Với người tiêu dùng thì đây là thức uống được cho là: NGON, SẠCH, BỔ, RẺ - Điều đó là có thật! Với chừng đó lợi thế cũng đủ chứng minh giá trị của cây Quýt PQ trên đất Phủ Quỳ rồi.
Năm nay - 2022, vào dịp nửa cuối vụ, khi mà nhiều loại cây có múi khắp nơi đã qua mùa thu hoạch, có nhiều người từ Nam ra Bắc tìm mua Quýt PQ với số lượng lớn, giá tốt thì mới thấy rõ hơn giá trị của quả Quýt PQ trên thị trường. Rất tiếc là nhiều người đã bán sớm, đã chặt đi từ năm trước hoặc đã như bỏ quên mà không chăm sóc. Đến giờ mới thấy vị ngọt của Quýt PQ!
Qua tìm hiểu, sơ bộ với bài tính: 1 ha Quýt PQ trong thời kỳ kinh doanh thì phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng (đã bao gồm tính cả tiền công), cho thu hoạch khoảng 30 tấn, với giá 5.000 đ/kg thì tổng thu về được khoảng 100 triệu đồng. Mức thu nhập như vậy, so với các loại cây trồng trên địa bàn và so với yêu cầu đặt ra coi là được, thậm chí là tốt. Thực tế, đã có không ít vườn có năng suất và thu nhập cao hơn nhiều. Tất nhiên, để có được mức thu nhập đó thì phải đầu tư phân bón, chăm sóc đúng mức, đúng kỹ thuật như đã nói ở trên - Vậy là đã có Quýt ngọt!
Quýt PQ đã có vị ngọt, giá trị của nó đã dần được xác định đúng. Thiết nghĩ, điều cần thiết bây giờ là: (1) Phải có một chiến dịch truyền thông tổng thể để nhiều người cả trong và ngoài huyện thấy được, thấy đúng giá trị của cây Quýt và quả Quýt; (2) Phải đầu tư đúng mức cho cây Quýt, ít nhất là với diện tích hiện có để đảm bảo có một sản lượng không nhỏ và có chất lượng tốt, thì mới giữ được thị trường cho quả Quýt lâu dài, nhất là thị trường ngoài huyện, ngoài tỉnh (hiện cả huyện có khoảng trên 500 ha Quýt PQ); (3) Người trồng phải định giá đúng và bán đúng giá cho quả Quýt khi vào vụ, để tránh tình trạng “bán non”, “bán chạy”, bán không đúng giá trị thực của sản phẩm mà mình làm ra; (4) Cần xây dựng thương hiệu cho Quýt PQ trong lâu dài để nó có thể trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện nhà.
Rất mong và rất cần người trồng, người tiêu dùng và những nhà quản lý cùng chung tiếng nói để cây Quýt PQ được đánh giá đúng vị thế, được xác định đúng giá trị và để có được những mùa Quýt ngọt.
Đ/c Phan Tiến Hải – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy
Một số hình ảnh vườn Quýt tại huyện Nghĩa Đàn: