CHẶNG III: XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN VỮNG MẠNH, GÓP PHẦN LÀM NÊN KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP THÀNH CÔNG (1945 – 1954)
XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN NON TRẺ
Niềm vui to lớn sau khi giành được chính quyền (ngày 22/8/1945) cũng là lúc thử thách đầy cam go và nhiệm vụ nặng nề đặt ra đối với Đảng bộ Nghĩa Đàn, đó là: Tập trung xây dựng và bảo vệ chính quyền các cấp.
Việc trước hết, Đảng bộ đã tổ chức học tập Thư của Hồ Chủ tịch cho “Các đồng chí tỉnh nhà” (ngày 17/9/1945), củng cố lại hệ thống tổ chức Đảng bộ. Huyện uỷ trở thành lực lượng lãnh đạo chính quyền và hoạt động công khai, đưa tổ chức đảng hoạt động độc lập với tổ chức Việt Minh và chính quyền các cấp. Cùng với việc đưa cán bộ, đảng viên làm nòng cốt, Đảng bộ đã chỉ đạo và đưa các thành phần khác cùng tham gia ở chính quyền các xã mới thành lập. Trong 58 uỷ viên thì có 8 địa chủ, 2 phú nông; thu hút 20 hào lý cũ tham gia công việc của uỷ ban các xã; vận động 77/94 các chức sắc, hào lý, thổ ty… tham gia các đoàn thể cứu quốc, góp phần xây dựng khối đoàn kết và nâng cao chất lượng của chính quyền các cấp.
Nhiệm vụ chống giặc đói, giặc dốt, ổn định đời sống cho nhân dân đặt ra cấp bách cho Đảng bộ và Chính quyền huyện. Nhờ có sự vận động tích cực và vốn có lòng yêu nước nồng nàn, nhiều gia đình đã tình nguyện ủng hộ, đóng góp nhiều của cải, đất đai, lương thực cho Chính phủ và chính quyền các cấp. Nổi bật, có ông Cai Hoài (Cao Trai) ủng hộ 7 lượng vàng, bà Đội Sáu (Thái Hoà) ủng hộ 3 lượng vàng. Phong trào đổi công, đổi việc, mượn đất sản xuất đã sớm khắc phục được nạn đói. Khắp các thôn, bản, đồn điền dấy lên phong trào thi đua học chữ Quốc ngữ, thay đổi cách xưng hô, cách ăn mặc đã góp phần tạo nên nếp sống mới trong nhân dân.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của đảng trước tình hình mới, giữa tháng 3/1946, Đảng bộ huyện tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ Nhất. Đồng chí Phan Đình Lại được bầu làm Bí thư Huyện uỷ. Thực hiện Sắc lệnh của Chính phủ, Uỷ ban hành chính được bầu ra thay cho Uỷ ban nhân dân lâm thời. Đồng chí Phan Hữu Khiêm được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện. Uỷ ban hành chính ở cấp huyện và xã được cơ cấu: 1/3 là đảng viên, 1/3 thuộc các đoàn thể cứu quốc, 1/3 là các thành phần khác.
Đảng bộ được củng cố, Uỷ ban hành chính được phát huy, Uỷ ban kháng chiến được thành lập đã tạo nên bộ máy khá vững chắc và phát triển về mọi mặt. Đến cuối năm 1946, trên thực tế, Nghĩa Đàn đang trở thành một vùng hậu phương khá an toàn cho các huyện ven biển và mặt trận Quỳ Châu, chuẩn bị bước vào cuộc đấu tranh quyết liệt mới.
CÙNG CẢ NƯỚC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP XÂM LƯỢC
Tối 19/12/1946, mệnh lệnh kháng chiến toàn quốc được phát đi trong cả nước. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên trên Đài tiếng nói Việt Nam làm cho không khi sục sôi đánh Pháp đã bùng lên khắp nơi trong huyện.
Thực hiện nhiệm vụ do Tỉnh uỷ và Liên khu giao cho, Đảng bộ Nghĩa Đàn đã nhanh chóng tổ chức việc đón nhận các cơ quan, xí nghiệp, trạm xá ở các nơi chuyển về đóng ở huyện; đồng thời, tiếp đón và bố trí chỗ ăn, ở, sản xuất cho công nhân, nông dân từ các nơi sơ tán, tản cư đến. Một hệ thống công xưởng, kho tàng quan trọng phục vụ cho cuộc kháng chiến lẫn dân sinh, kinh tế được hình thành. Các trại tăng gia, sản xuất và nhiều nhà mới được dựng lên để đón đồng bào ở các nơi di tản về sinh sống và làm ăn. Nghĩa Đàn đang dần hình thành nên một hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến và là lợi thế hết sức cần thiết cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc lâu dài của huyện.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, Nghĩa Đàn không trực tiếp là tiền tuyến đánh giặc nhưng thực sự đã trở thành hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của, là địa bàn chiến lược rất quan trọng của tỉnh Nghệ An, của Liên khu và của nước bạn Lào. Các xưởng quân khí khá hiện đại, sửa chữa và chế tạo được cả súng và đạn Bazoca, SKZ, moochie 51li… để cung cấp cho chiến trường. Nghĩa Đàn tham gia hơn 1 triệu rưỡi ngày công để xây dựng và nơi đây đã trở thành đầu mối giao thông trọng yếu của tỉnh, nối các huyện miền núi với đồng bằng (đường đi Yên Lý và đường đi Yên Thành), nối Nghệ An với Thanh Hoá (Từ Quốc lộ 7 ra huyện Như Xuân) phục vụ cho Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954. Chỉ tính trong 2 năm (1949, 1950), Nghĩa Đàn đã có 3.650 thanh niên nhập ngũ; đầu năm 1954, huyện đã huy động 180 thanh niên xung phong, hơn 5.000 dân công cùng 45 xe thồ đi phục vụ các chiến trường.
Cũng trong giai đoạn này, Đảng bộ và Chính quyền Nghĩa Đàn đã tập trung phát triển kinh tế thông qua lãnh đạo cuộc “Đại vận động tăng gia sản xuất và tiết kiệm” do Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Nông dân tập trung khai hoang, mở rộng diện tích canh tác, phát triển chăn nuôi, tích cực xây dựng các hồ đập; công nhân các công xưởng, xí nghiệp tích cực thi đua cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên vật liệu; Thái Hoà trở thành một trong những trung tâm thương mại của huyện và của khu vực miền Tây Bắc Nghệ An.
Đến giữa năm 1953, Nghĩa Đàn được công nhận là huyện căn bản xoá xong nạn mù chữ cho nhân dân; từ năm 1950, mỗi xã có 1 trường cấp I và huyện đã có trường cấp II; đã cử đi đào tạo được 60 y tá, nữ hộ sinh và xây dựng mỗi xã trạm xá.
Cùng với việc tích cực tham gia kháng chiến, Nghĩa Đàn chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh, nhất là sau khi thực hiện việc sắp xếp các xã theo chủ trương của cấp trên (năm 1947, Nghĩa Đàn sắp xếp từ 61 làng thành 16 xã) và qua các kỳ đại hội đảng, bầu cử HĐND các cấp. Số lượng đảng viên tăng nhanh (từ 30 đồng chí vào cuối năm 1945 lên 1.300 đồng chí vào cuối năm 1953). Trên địa bàn huyện, các đơn vị vũ trang, lực lượng dân quân được thành lập và duy trì hoạt động đảm bảo giữ yên trật tự, an ninh trên địa bàn, không để cho các thế lực thù địch chống phá.
Tuy vậy, là huyện miền núi gặp khó khăn về nhiều mặt; quá trình lãnh đạo của Đảng bộ và hoạt động của chính quyền có việc còn yếu (năm 1951, Huyện uỷ bị Tỉnh uỷ kỷ luật do thiếu kiên quyết trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo); nhận thức và cách làm của một số cán bộ, đảng viên sau khi giành chính quyền chưa đúng đắn… đã là những cản trở không nhỏ trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện.
Khó khăn, khuyết điểm là khó tránh khỏi nhưng Đảng bộ đã sớm quyết tâm khắc phục, sửa chữa để tập trung lãnh đạo nhân dân giữ yên bản làng, xây hậu phương vững chắc về mọi mặt, cung cấp nhân lực và vật lực đầy đủ, kịp thời cho tiền tuyến, thực hiện tốt phương châm “Kháng chiến đi đôi với kiến quốc”. Kết quả to lớn đó mà Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Đàn đạt được đã góp phần xứng đáng cùng cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ “Lừng lẫy Năm châu, chấn động địa cầu”.
Kháng chiến chống Pháp thành công. Nghĩa Đàn lại chuẩn bị bước sang một chặng đường mới, xây nên trang sử mới – Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
(Còn nữa)
Phan Tiến Hải ( Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Nghĩa Đàn )