Huyệnlỵ là thị trấn Hưng Nguyên (TT Thái Lão cũ), cách Vinh khoảng 5 km về phía tây,một trong những nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh, cũng là nơinhiều người tham gia cuộc khởi nghĩa này bị giặc Pháp sát hại, hiện vẫn cònnghĩa trang và đài kỷ niệm chính thức, bảo tàng của Xô viết Nghệ Tĩnh, một gạchnối quan trọng trên tuyến đường gần 20 km nối Vinh và quê hương của Hồ Chí Minh.
Từ ngàn xưa, vùng đất Nghĩa Đàn đã là một trong những cái "nôi" của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ học làng Vạc, với những chiếc trống đồng và những dụng cụ lao động, săn bắn … biểu tượng rực rỡ của nền văn hoá Đông Sơn từ thuở các Vua Hùng dựng nước. Quá trình lao động chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống của người Việt cổ ở Nghĩa Đàn đã góp phần vào trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước. Những giá trị to lớn về văn hoá và lịch sử của di chỉ khảo cổ học Làng Vạc để lại là niềm tự hào lớn lao của mỗi người dân Nghĩa Đàn qua bao thế hệ.
Trong sự tiếp biến của lịch sử, cùng với người bản địa, trên điạ bàn Nghĩa Đàn xuất hiện thêm các cộng đồng cư dân mới, trong đó đáng kể nhất là đồng bào dân tộc Thổ, Thái di cư từ các địa phương khác đến và người Kinh từ miền xuôi lên sinh sống, lập nghiệp. Từ đây, các thế hệ người Thái, người Thổ, người Kinh chung sống trong sự cố kết cộng đồng hoà thuận, cùng nhau hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, thuỷ chung, cần cù, sáng tạo và tạo nên bản sắc văn hoá riêng của người dân Nghĩa Đàn.
Trải qua nhiều triều đại trong lịch sử dân tộc, đến năm Minh Mệnh thứ 21 - tức năm 1840, tổ chức hành chính Nghệ An được sắp xếp lại, huyện Nghĩa Đường được thành lập trên cơ sở tách ra từ phủ Quỳ Châu. Đến năm 1885, Vua Đồng Khánh lên ngội, vì huý kỵ nên triều đình đổi tên huyện Nghĩa Đường thành huyện Nghĩa Đàn và tên gọi Nghĩa Đàn có từ đó.
Huyện Nghĩa Đường - Nghĩa Đàn thành lập chưa được bao lâu thì nhân dân Nghĩa Đàn một mặt vừa chống sự áp bức bóc lột của địa chủ phong kiến, của thổ ty, lang đạo lại vừa cùng nhân dân cả nước chống ách đô hộ của thực dân Pháp. Người dân Nghĩa Đàn phải chịu cảnh một cổ hai tròng. Không cam chịu cảnh đời nô lệ, tiếp nối truyền thống chống giặc ngoại xâm của các thời kỳ trước, hưởng ứng các phong trào yêu nước, nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn đã tích cực tham gia lực lượng, quyên góp tiền bạc, thực phẩm và trở thành hậu cứ quan trọng của các nghĩa quân yêu nước.
Khi thực dân Pháp thực thi Chính sách khai thác thuộc địa, người dân Nghĩa Đàn phải trực tiếp gánh chịu hậu quả nặng nề. Một mặt bị thực dân Pháp cướp đoạt ruộng vườn, nhà cửa để lập đồn điền, trở thành người làm thuê, nô lệ, sưu cao thuế nặng; mặt khác, bị nô dịch về văn hoá do chính sách “ngu dân để trị”. Cũng từ chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá của Nghĩa Đàn đã từng bước biến đổi, từ tính chất phong kiến chuyển sang thuộc địa nửa phong kiến với sự xuất hiện của một số cơ sở kinh tế tư bản chủ nghĩa và các giai cấp, các tầng lớp xã hội mới, trong đó một lực lượng lớn công nhân ra đời.
Lúc này, lớp người trẻ tuổi ở Nghĩa Đàn tiếp thu mạnh mẽ những tác động từ các phong trào yêu nước đương thời; một số thành viên của các tổ chức yêu nước đã lên Nghĩa Đàn tập hợp lực lượng, gây dựng cơ sở, đã giác ngộ và truyền bá tư tưởng cứu nước trong thanh niên.
Ngày 3-2-1930, một sự kiện chính trị có ý nghĩa quyết định của cách mạng Việt Nam đã diễn ra - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tạo ra một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử của dân tộc. Và ở Nghĩa Đàn, tháng 10/1930, tại hang Rú Ấm, xã Thọ Lộc (nay thuộc xã Nghĩa Đức), chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn và một trong những chi bộ Đảng đầu tiên của các huyện miền núi Tây Bắc đã ra đời do đồng chí Võ Nguyên Hiến làm Bí thư. Ánh sáng của con đường cách mạng do Đảng ta lãnh đạo đã bắt đầu dẫn đường, soi rọi và thôi thúc phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn. Một trang sử mới hào hùng và vẻ vang đã mở ra.
Ngay sau khi thành lập, Chi bộ và sau này là Đảng bộ (được thành lập tháng 4/1931) đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh trong cao trào cách mạng rộng lớn của cả tỉnh, của toàn quốc - cao trào cách mạng 1930-1931; Lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống bọn chủ đồn điền cướp đất và ra sức phục hồi đảng bộ sau những trận khủng bố dữ dội của kẻ thù những năm 1932-1935; Lãnh đạo phong trào đấu tranh công khai, rộng rãi của nhân dân đòi các quyền dân sinh dân chủ và duy trì lực lượng những năm 1936-1940. Sau một thời gian tập trung khôi phục Đảng bộ và xây dựng phong trào, chuẩn bị tích cực giành chính quyền, ngày 22 tháng 8 năm 1945, thực hiện Lệnh Tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo, tổ chức của Uỷ ban khởi nghĩa huyện, hàng ngàn quần chúng đã giương cao cờ, hô vang khẩu hiệu cách mạng, rầm rộ kéo về huyện lỵ, bắt giữ tri huyện, thu giữ ấn tín và tuyên bố thành lập Uỷ ban nhân dân lâm thời và Uỷ ban Mặt trận Việt Minh huyện, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ đây, đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, lịch sử Nghĩa Đàn bước sang một trang mới, trang sử của nền độc lập, tự do.
Từ sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với cả nước, Nghĩa Đàn bước vào công cuộc “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc". Đảng bộ Nghĩa Đàn đã nhanh chóng trưởng thành, lãnh đạo nhân dân ra sức tăng gia sản xuất, đóng góp nhiều sức người, sức của cho kháng chiến và xây dựng Nghĩa Đàn xứng đáng là vùng căn cứ địa cách mạng vững chắc. Thành công lớn của Đảng bộ Nghĩa Đàn trong 9 năm đấu tranh bảo vệ chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là đã chú trọng lãnh đạo toàn diện mọi mặt về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa xã hội, đã nắm vững phương châm kháng chiến đi đôi với kiến quốc, kết hợp nhiệm vụ xây dựng với nhiệm vụ bảo vệ hậu phương và chi viện cho tiền tuyến, vừa phấn đấu hoàn thành các công tác trước mắt, vừa tích cực chuẩn bị cho sự tiến lên lâu dài. Lúc mới dành được chính quyền cũng như khi bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, Nghĩa Đàn là một trong những huyện còn khó khăn về nhiều mặt, đảng viên ít, cán bộ thiếu và yếu, ruộng đất hoang hóa nhiều, phần đông nhân dân bị mù chữ, phong tục, tập quán lạc hậu... nhưng càng về sau, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân trong huyện đã nỗ lực đoàn kết vươn lên đưa địa phương mình trở thành một căn cứ địa, hậu phương vững mạnh. Nhiều cơ quan, đơn vị kinh tế, quốc phòng, văn hóa của tỉnh, của Liên khu 4 và của cả nước bạn Lào đã đóng trụ sở, đặt công xưởng, mở trại sản xuất, đến tản cư, sơ tán và làm chỗ hội họp, học tập, huấn luyện tại đây. Nghĩa Đàn đã tích cực chi viện cho các chiến trường Bình - Trị - Thiên, Thượng Lào, Trung Lào và chiến trường chính Bắc bộ. Công tác xây dựng đảng được chú trọng, số đảng viên và tổ chức cơ sở đảng tăng nhanh, đến năm 1949, đã có chi bộ ở khắp các xã, từ 30 đảng viên năm 1945 đã lên tới hơn 1.300 đảng viên vào năm 1953. Hầu hết đảng viên đều có ý thức tổ chức kỷ luật cao, luôn tự rèn luyện mình trong kháng chiến, mẫu mực trong sinh hoạt thường ngày nên có tín nhiệm cao trong quần chúng. Những thành tích đó đã góp phần to lớn và quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ- lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cả miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, là hậu phương lớn cùng tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ. Cán bộ, đảng viên Nghĩa Đàn đã làm nòng cốt trong mọi phong trào sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Các nông trường Tây Hiếu, Đông Hiếu, 1-5, 19-5, Cờ Đỏ được thành lập và trở thành mô hình sản xuất tiên tiến mới của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Với khẩu hiệu "một người làm việc bằng hai", "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" đã tạo nên một làn sóng thi đua khắp mọi nơi và đã thu được nhiều thắng lợi lớn, kịp thời tiếp ứng cho chiến trường miền Nam và xuất khẩu hàng hoá sang các nước xã hội chủ nghĩa. Các kho quân sự, các tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam đi qua Nghĩa Đàn luôn là điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, nhưng quân và dân Nghĩa Đàn vẫn luôn trụ vững và đảm bảo thông xe trong mọi tình huống ác liệt nhất. Đảng bộ đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong huyện phấn đấu giành được những thành tích phi thường, làm nên những biến đổi to lớn trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến của cả dân tộc. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã có 1.602 người con của Nghĩa Đàn anh dũng hy sinh, 1978 thương binh, bệnh binh đã để lại một phần xương máu ở trên các chiến trường. Chúng ta đời đời ghi nhớ công ơn và sự hy sinh của các thương binh, liệt sỹ.
Trong gian khó của thời kỳ vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu và xây dựng quê hương, Đảng bộ Nghĩa Đàn đã trưởng thành cả về số lượng, chất lượng và năng lực tổ chức thực tiễn. Đảng bộ được bổ sung thêm lực lượng mới, trẻ, có năng lực và có trình độ. Hoạt động của các tổ chức Đảng nhịp nhàng, chặt chẽ, đi vào nề nếp và có hiệu quả. Đây là nhân tố có tính quyết định làm nên lịch sử vẻ vang của Nghĩa Đàn trong thời kỳ này.
Với những thành tích to lớn đó, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Nghĩa Đàn.
Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 đại thắng, non sông liền một dải, Bắc- Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui, nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn hoà cùng niềm vui vô bờ của cả dân tộc. Sau ngày đất nước thống nhất đến năm 1986, cả nước bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả nặng nề của những năm chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong khó khăn chung của đất nước, vừa phải khắc phục khủng hoảng kinh tế, vừa phải chiến đấu chống chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước, Nghĩa Đàn còn phái gánh chịu và giải quyết những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra, bão lụt xẩy ra thường xuyên, rét đậm kéo dài rồi nắng hạn gay gắt. Khó khăn là vậy, nhưng trong giai đoạn này, Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn đã lãnh đạo phong trào huyện nhà thu được thành tựu đáng kể, chặn được đà giảm sút của sản xuất và đời sống. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, quân sự địa phương, giữ vững an ninh trật tự… được chú trọng và làm tốt, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác phát triển đảng viên được tăng cường. Hệ thống chính trị được xây dựng và củng cố, nhiều tổ chức đảng, nhiều đơn vị luôn dẫn đầu trong các phong trào, giữ vững danh hiệu đơn vị vững mạnh, xuất sắc.
Trong thời kỳ đổi mới, Nghĩa Đàn là một trong những huyện tiên phong, biết tận dụng thời cơ, khai thác tiềm năng và lợi thế phát triển, không ngừng đưa huyện nhà tiến nhanh trên con đường đi tới, hoà nhịp với sự phát triển của đất nước. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế- xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện các khoá đề ra đều hoàn thành và vượt mức. Kinh tế tăng trưởng cao và bền vững, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng. Văn hoá- xã hội có nhiều tiến bộ. Cơ sở hạ tầng, kiến trúc đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới nhanh chóng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Sự phát triển trên các lĩnh vực trong những năm đổi mới đã là nhân tố có tính quyết định để hình thành và ra đời một đô thị mới- thị xã Thái Hoà được thành lập và chính thức công bố vào ngày 10/5/2008.
Thực hiện việc chia tách, huyện Nghĩa Đàn mới bắt đầu được tổ chức lại. Một Nghĩa Đàn đầy khó khăn, thách thức bởi gần như trở lại điểm xuất phát của một huyện miền núi nghèo, song từ khó khăn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện nhà lại thắp sáng lên niềm tin mới, đoàn kết và quyết tâm xây dựng quê hương Nghĩa Đàn sớm vượt qua khó khăn, nhanh chóng “thay da, đổi thịt”. Đảng bộ tập trung sớm ổn định tổ chức và bộ máy cán bộ; xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch và triển khai xây dựng khu trung tâm hành chính huyện, khu công nghiệp nhỏ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật; tích cực thu hút đầu tư vào địa bàn; chăm lo ổn định và nâng cao đời sống tinh thần vật chất của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Với quyết tâm cao và định hướng đúng, chỉ sau hơn hai năm kể từ ngày chia tách, Nghĩa Đàn đã cơ bản ổn định về mọi mặt, đã vượt qua được những khó khăn ban đầu, thế và lực của Nghĩa Đàn từng bước nâng lên. Những thành quả và sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn đã và đang thu hút được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, của bạn bè khắp gần xa và sự đồng tâm, đồng lòng của đồng chí, đồng bào trong toàn huyện.